Những hình thức
sở hữu trí tuệ chủ yếu là bằng sáng chế, bản quyền,
nhãn hiệu
và bí mật thương mại. Do sở hữu trí tuệ cũng có nhiều đặc tính của sở
hữu cá nhân và sở hữu tài sản thực sự nên những quyền lợi gắn liền với
sở hữu trí tuệ cho phép chúng ta có thể mua, bán, cấp phép hay thậm chí
là cho không sở hữu trí tuệ của chúng ta như tài sản thông thường. Luật
về sở hữu trí tuệ cho phép chủ sở hữu, người phát minh và tác giả bảo vệ
tài sản của mình trước việc sử dụng trái phép.
Bản quyền
Bản quyền là một thuật ngữ pháp lý mô tả quyền lợi kinh tế của người
sáng tác ra các tác phẩm văn học và nghệ thuật, trong đó bao gồm quyền
tái bản, in ấn và trình diễn hay trưng bày tác phẩm của mình trước công
chúng. Bản quyền chủ yếu nhằm bảo vệ âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết, thơ
ca, kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn hóa khác. Khi
nghệ sỹ và người sáng tác đưa ra những hình thức thể hiện khác thì những
loại hình thể hiện mới này cũng được bao gồm trong trong những công
trình được bảo hộ bản quyền. Các chương trình máy tính và ghi âm giờ đây
cũng được bảo vệ.
Bản quyền cũng được bảo vệ lâu hơn nhiều so với một số hình thức sở
hữu trí tuệ khác. Công ước Berne, công ước quốc tế được ký năm 1886,
theo đó các nước tham gia công ước công nhận các tác phẩm được bảo hộ
bản quyền của các nước thành viên, quy định rằng thời gian bảo hộ bản
quyền là 50 năm kể từ khi tác giả qua đời. Theo Công ước Berne thì các
tác phẩm văn học, nghệ thuật và các tác phẩm có giá trị khác được bảo hộ
bản quyền ngay từ khi ra đời. Tác giả không cần phải đăng ký chính thức
quyền bảo hộ cho tác phẩm của mình tại những quốc gia là thành viên của
Công ước đó.
Tuy nhiên, Công ước Berne cho phép cấp bản quyền có điều kiện, chẳng
hạn như trường hợp của Hoa Kỳ chỉ bảo hộ bản quyền đối với những tác
phẩm được sáng tác theo những hình thức nhất định. Nhiều nước cũng có
các trung tâm bản quyền quốc gia để quản lý hệ thống bản quyền. Chẳng
hạn như ở Hoa Kỳ, Hiến pháp cho phép Quốc hội ban hành luật để thiết lập
hệ thống bản quyền và hệ thống này do Phòng Bản quyền thuộc Thư viện
Quốc hội quản lý.
Phòng Bản quyền của Hoa Kỳ là nơi nhận các khiếu nại về bản quyền và
là nơi các văn bản liên quan tới bản quyền được lưu giữ khi đáp ứng được
các yêu cầu của luật bản quyền Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với tất cả các
tác phẩm – kể cả tác phẩm nước ngoài – thì việc đăng ký bản quyền mau lẹ
ở Hoa Kỳ sẽ đem lại những thuận lợi với chi phí không đáng kể.
Khả năng nhanh chóng đăng ký quyền bảo hộ bản quyền đã làm cho các
ngành công nghiệp giải trí khổng lồ của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ. Theo
báo cáo năm 2004 của Stephen Siwek về các ngành công nghiệp được bảo hộ
bản quyền trong nền kinh tế Hoa Kỳ thì các ngành công nghiệp được bảo hộ
bản quyền “chủ yếu” ở Hoa Kỳ đóng góp 6% vào GDP năm 2002 của Hoa Kỳ,
hay 626,2 tỷ đô-la Mỹ. Báo cáo định nghĩa các ngành công nghiệp được bảo
hộ bản quyền “chủ yếu” là ngành báo chí, xuất bản sách, ghi âm, âm
nhạc, tạp chí thường kỳ, phim ảnh, chương trình truyền hình và phát
thanh, phần mềm máy tính. Trong báo cáo năm 2004 thì cửa hàng sách và
quầy bán báo cũng được đưa thêm vào danh sách các ngành công nghiệp “chủ
yếu”.
Chỉ tác giả hay những người được tác giả trao quyền – chẳng hạn như
nhà xuất bản- mới có toàn quyền khiếu nại về bản quyền. Tuy nhiên cho dù
là ai đang sở hữu bản quyền đi chăng nữa thì quyền đó cũng có giới hạn.
Ví dụ như ở Hoa Kỳ người ta có thể sao chép lại một phần tác phẩm với
mục đích học tập, phê bình, đưa tin hay giảng dạy. Những quy định tương
tự về “sử dụng hợp lý” cũng có ở những quốc gia khác. Phạm vi về những
ngoại lệ này được trao đổi kỹ hơn trong bài “Thế nào là ‘sử dụng hợp
lý’?”.
Bản quyền bảo vệ việc xử lý số liệu nhưng không bảo vệ những số liệu
mới được thu thập. Hơn nữa, bản quyền không bảo vệ ý tưởng hay quy trình
mới; nếu ý tưởng hay quy trình được bảo hộ thì sẽ được bảo hộ trong
bằng sáng chế.
Bằng sáng chế
Người ta có thể nói rằng bằng sáng chế là hợp đồng giữa một bên là
toàn thể xã hội và một bên là cá nhân nhà phát minh. Theo các điều khoản
của hợp đồng này, nhà phát minh được toàn quyền ngăn chặn người khác
không được áp dụng, sử dụng và bán một phát minh đã được cấp bằng sáng
chế trong một khoảng thời gian nhất định – hầu hết các nước quy định là
20 năm – để đổi lại việc nhà phát minh phải công bố chi tiết phát minh
của mình cho công chúng.
Nếu không có sự bảo hộ của bằng sáng chế thì nhiều sản phẩm đã không
bao giờ xuất hiện, đặc biệt là những sản phẩm cần vốn đầu tư lớn nhưng
một khi đã bán ra thị trường thì dễ dàng bị các đối thủ cạnh tranh bắt
chước làm theo. Ít nhất là kể từ năm 1474 khi nước Cộng hòa Venice lần
đầu tiên cấp bằng sáng chế thì việc bảo hộ bằng sáng chế đã thúc đẩy sự
phát triển và phổ biến những công nghệ mới.
Nếu không có bằng sáng chế thì sẽ không thể có sự phát triển công
nghệ. Nếu các nhà sáng chế phải bảo vệ sáng chế của mình bằng cách giữ
bí mật về những sáng chế đó thì điều quan trọng hơn là những sáng chế
không được công bố này sẽ bị mai một đi.
Tuy nhiên, việc xin cấp bằng sáng chế không hề đơn giản. Bằng sáng
chế không được cấp cho những ý tưởng mơ hồ mà chỉ được cấp cho những đơn
xin cấp bằng được trình bày một cách cụ thể và cẩn thận. Nhằm tránh
việc bảo hộ cho những công nghệ đã được phổ biến hay công nghệ mà đến
thợ thủ công bình thường cũng dễ dàng làm được, những đơn xin cấp bằng
sáng chế phải được các chuyên gia xem xét. Do đơn xin cấp bằng sáng chế
khác nhau rất nhiều về giá trị của công nghệ mà đơn đòi bảo hộ, người
xin cấp bằng sáng chế phải nói rõ phạm vi bảo hộ hợp lý. (Phạm vi bảo hộ
buộc người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế phải rất thận trọng trong việc
đưa ra giới hạn về phát minh của mình và những gì sẽ được bảo hộ khỏi
sự xâm phạm). Việc này thường mất hai năm hoặc lâu hơn và rất tốn kém.
Bí mật thương mại
Bất cứ thông tin nào có thể được sử dụng trong việc điều hành doanh
nghiệp và có giá trị lớn trong việc tạo ra lợi ích kinh tế trong tương
lai hay trong thực tại đều được coi là bí mật thương mại. Ví dụ về bí
mật thương mại có thể là công thức sản xuất ra các sản phẩm, chẳng hạn
như công thức sản xuất Coca-Cola; việc thu thập thông tin nhằm tạo ra
lợi thế cạnh tranh cho một doanh nghiệp, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu về
danh sách khách hàng; bí mật thương mại thậm chí gồm cả chiến lược quảng
cáo và quy trình phân phối.
Khác với bằng sáng chế, bí mật thương mại về lý thuyết được bảo vệ vô
thời hạn và không cần thủ tục đăng ký gì. Tuy nhiên, bí mật thương mại
thường dễ bị lộ và việc bảo vệ bí mật thương mại thì phải trả tiền.
Trường hợp tốt nhất là các công ty phải hạn chế sự ra vào văn phòng và
sự tiếp cận với các tài liệu, giáo dục các nhân viên chủ chốt và thanh
tra chính phủ và giám sát chặt chẽ các ấn phẩm và các buổi thuyết trình
về sản phẩm. Cho dù việc giữ bí mật rất tốn kém nhưng các công ty lớn
chủ yếu dựa vào việc giữ bí mật khi không xin được bằng sáng chế. Công
ty càng lớn thì lại càng cần pháp luật bảo vệ bí mật thương mại.
Những công ty không thể dựa vào tòa án để bảo vệ những bí mật quan
trọng thì phải dựa vào chính mình. Chẳng hạn như họ có thể hạn chế
nghiêm ngặt số lượng người có thể tiếp cận các thông tin cạnh tranh quan
trọng. Tương tự như vậy, thông tin cần thiết cho những hoạt động quan
trọng sẽ chỉ được tiết lộ khi bí mật thương mại được bảo vệ đầy đủ. Nếu
không thì chỉ đào tạo trên mức cần thiết một số rất ít nhân viên để làm
những nhiệm vụ lắp ráp không đòi hỏi chuyên môn cao.
Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là chỉ số chỉ dẫn thương mại, là dấu hiệu phân biệt để xác
định một loại hàng hóa hay dịch vụ do một cá nhân hay công ty cụ thể sản
xuất hoặc cung cấp. Tại các làng xã, thợ chữa giày dùng tên của mình để
làm chức năng này. Nhãn hiệu đặc biệt quan trọng khi người sản xuất và
tiêu dùng ở cách xa nhau. Trẻ nhỏ đòi mua búp bê Barbie, đồ chơi lắp
ghép Lego và xe ô tô đồ chơi Hot Wheel. Một số người lớn mơ ước chiếc xe
Ferrari, nhưng đa số đều có thể mua xe hơi hiệu Honda hay Toyota. Những
khách hàng này cần nhãn hiệu để tìm kiếm hay né tránh hàng hóa và dịch
vụ của các công ty khác.
Ở hầu hết các nước trên thế giới, nhãn hiệu cần phải được đăng ký thì
mới có thể bảo hộ được và việc đăng ký cần phải được gia hạn. Thế nhưng
trong khi bản quyền và bằng sáng chế tự hết hạn thì tên của công ty
phục vụ khách hàng tốt sẽ ngày càng trở nên có giá. Nếu giả sử nhãn hiệu
cũng bị hết hạn thì khách hàng cũng bị thiệt hại chẳng kém gì người sở
hữu nhãn hiệu. Chúng ta thử tưởng tượng sẽ hỗn loạn như thế nào khi các
công ty vô danh lại bán sản phẩm của mình với nhãn hiệu của công ty
khác. Và chúng ta hãy thử xem xét trường hợp chất lượng đáng ngờ của tân
dược giả và những điều tệ hại, thậm chí là tử vong, có thể xảy ra khi
người sử dụng không hề nghi ngờ gì về chất lượng của thuốc.
Việc
bảo hộ nhãn hiệu
cũng được sử dụng rộng rãi trong các môn thể thao và ước tính chiếm tới
2,5% giá trị thương mại toàn cầu. Chẳng hạn như hầu hết nguồn tài trợ
cho các kỳ Thế vận hội Olympic không phải là từ các chương trình truyền
hình có bản quyền mà là từ việc mua bán các quyền được nhãn hiệu bảo hộ.
Lúc đầu, người mua những sản phẩm mang tên hay biểu trưng của các đội
thể thao hay sự kiện nổi tiếng có thể cho rằng là không có sự liên hệ
nào giữa sản phẩm với đội thể thao hay sự kiện, và đội thể thao không
bảo đảm cho chất lượng của sản phẩm, ví dụ như chiếc mũ lưỡi trai chơi
bóng chày có in biểu tượng của đội. Nhưng càng ngày khách hàng càng cho
rằng có sự liên quan giữa sản phẩm và đội thể thao. Tính tới thời điểm
năm 1993, chỉ riêng các đội bóng chày của Mỹ đã cấp phép sử dụng nhãn
hiệu của họ cho số hàng hóa trị giá tới 2,5 tỷ đô-la.